Hotline: 091.321.8772

Du lịch Hà Nội

Tìm theo khoảng giá
nhà thờ cổ Tam Đảo
1.900.000 
2 Ngày 1 Đêm
Ô tô
nhà thờ cổ Tam Đảo
1.900.000 
2 Ngày 1 Đêm
Ô tô
- Khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao
3.500.000 
2 Ngày 1 Đêm
Ô tô 4 chỗ
- Cap Treo khám phá Núi Bà Đen
- Hành hương Tòa Thánh Cao Đài
3.500.000 
2 ngày 3 đêm
Ô tô

Chinh phục đất thủ đô với trọn bộ kinh nghiệm du lịch Hà Nội từ A-Z

Hà Nội “băm sáu” phố phường, Hà Nội trà chanh chém gió, Hà Nội trà đá vỉa hè… Dường như những câu miêu tả đơn giản này lại có thể gom hết những điều bình dị nhất của mảnh đất thủ đô. Cùng với lịch sử “nghìn năm văn hiến”, Hà Nội luôn thu hút du khách với một màu sắc đặc trưng, một nét văn hóa đậm đà bản sắc, và một lối sống riêng chẳng thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Nếu tò mò về “màu sắc” ấy, hãy lưu lại những kinh nghiệm du lịch Hà Nội dưới đây và lên lịch cho chuyến khám phá thủ đô thôi nào!

Nhắc về Hà Nội, nhiều người sẽ nghĩ về nét xưa cũ của phố cổ và những di tích lịch sử suốt nhiều triều đại phong kiến. Nhưng không hề dừng lại ở đó, Hà Nội còn có nhịp năng động của một thành phố đang phát triển từng ngày. Vẻ đẹp văn hóa, kết hợp với nét trẻ trung, nhộn nhịp đã góp phần tạo nên một Hà Nội đa sắc màu, đủ sức thu hút bất kỳ vị khách phương xa nào.

1. Thời điểm du lịch Hà Nội lý tưởng

Khí hậu Hà Nội còn được chia thành bốn mùa khá rõ rệt, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng nên bạn có thể du lịch đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, theo các kinh nghiệm du lịch Hà Nội thì thành phố nổi tiếng nhất là vào các mùa hoa và đặc biệt là mùa thu Hà Nội.

Mùa hoa: Hà Nội quanh năm ngập tràn trong các mùa hoa như hoa đào (tháng 1), hoa ban (tháng 2), hoa sưa (tháng 3), hoa sen (mùa hè), hoa sữa (tháng 9 – 10), cúc họa mi (tháng 10 – 12)…

Những mùa hoa đẹp nơi thủ đô luôn khiến du khách xao xuyến. @thanhnagi

Mùa thu – đầu đông:Luôn được đi vào thơ ca với biết bao lãng mạn, Hà Nội lúc thu về cho đến đầu đông là thời gian đẹp nhất của thành phố. Tiết trời lúc này đã bớt nóng, nắng nhẹ, trong cái se lạnh, có thêm hương hoa sữa trải rộng khắp các con phố.

Hà Nội se lạnh những ngày cuối thu. @milesofsmiles

2. Đến Hà Nội bằng cách nào

Bằng máy bay

Đến Hà Nội tiện lợi nhất hẳn là bằng máy bay. Một ngày có rất nhiều chuyến bay đến Hà Nội từ khắp cách tỉnh thành cho bạn dễ dàng lựa chọn khung giờ phù hợp nhất.

Chuyến bay TP.HCM – Hà Nội có giá 500.000 – 3.000.000 VND/ chiều, bay trong khoảng 2 giờ
Chuyến bay Đà Nẵng – Hà Nội có giá 300.000 – 1.500.000 VND/ chiều, thời gian bay khoảng 1 giờ 20 phút

** Combo du lịch Hà Nội là lựa chọn mới từ Traveloka với trọn gói vé máy bay và khách sạn chỉ trong một lần đặt. Vẫn thoải mái lựa chọn giữa hàng trăm chuyến bay và khách sạn yêu thích, combo Hà Nội này sẽ giúp bạn tiết kiệm đến 15%, lại vô cùng nhanh chóng và dễ dàng quản lý lịch trình hơn trước.

Cách trung tâm 30 km, từ sân bay Nội Bài có 3 phương tiện chính để di chuyển và thành phố:

Taxi: Có giá dao động 350.000 – 450.000 VND/ chuyến. Bạn cũng có thể bắt Grab hay Uber để có mức giá rẻ hơn.
Xe buýt: Từ sân bay, có 4 chuyến xe buýt chạy vào thành phố. Tuyến số 7 (Ga T1 – Cầu Giấy), tuyến 17 (Ga T1 – Long Biên), tuyến 90 (Kim Mã – Ga T1 – Ga T2), và tuyến 86 (Ga Hà Nội – Ga T1 – Ga T2). Ba tuyến đầu có giá vé từ 8.000 – 9.000 VND/ lượt, tuyến số 86 có giá 30.000 VND/ lượt.
Dịch vụ xe đưa đón sân bay Traveloka giá dao động 200.000 – 300.000 VND/ chuyến. Tài xế sẽ đón bạn ngay khi hạ cánh.
Xe trung chuyển: Các hãng hàng không nội địa đều có xe trung chuyển hành khách vào trung tâm với mức giá 40.000 VND/ người (không nhất thiết phải đi chuyến bay của hãng).

EPIC SALE – Chương trình khuyến mãi vé máy bay, khách sạn và tour du lịch lớn nhất trong năm. Xem chi tiết tại đây

Bằng tàu hỏa

Ga tàu hỏa Hà Nội nằm ngay trung tâm nên sẽ thuận tiện cho những ai chọn hình thức này để du lịch Hà Nội.

Đường tàu hỏa gắn liền với kí ức thành phố. @huyen.trt

Tuy nhiên, nếu đi từ các tỉnh phía Nam thì bạn sẽ mất gần hai ngày cho chuyến hành trình. Tuy nhiên giá vé lại không chênh lệch nhiều so với đi máy bay nên theo các kinh nghiệm du lịch Hà Nội thì đây sẽ là sự lựa chọn phù hợp cho những ai xuất phát từ các tỉnh miền Bắc hoặc miền Trung

Bằng xe khách

Xe khách cũng là một hình thức di chuyển tiết kiệm cho những du khách ở các tỉnh lân cận. Hà Nội có 4 bến xe là Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm và Gia Lâm để phục vụ cho nhu cầu di chuyển của hành khách đến thủ đô.

3. Phương tiện di chuyển ở Hà Nội

Xích lô hiện vẫn òn hoạt động trong khu vực phố cổ. @dr.kai2014

Xe máy: Thuê xe máy tại Hà Nội rất đơn giản. Bạn có thể liên hệ với khách sạn hoặc gọi trực tiếp dịch vụ cho thuê xe. Giá một chiếc xe khoảng 100.000 – 150.000 VND/ ngày.
Taxi: Cho một chuyến du lịch thoải mái, bạn có thể chọn di chuyển bằng taxi. Các hãng taxi phổ biến ở Hà Nội là Mai Linh (SĐT: 024.38.222.666), Taxi Group (SĐT: 024.38.26.26.26), V20 (SĐT: 024.38.20.20.20)
Xích lô: Một hình ảnh đặc trưng của phố cổ chính là chiếc xích lô vẫn còn được giữ lại để phục vụ du lịch. Bạn có thể dễ dàng bắt xích lô khi ở phố cổ, dạo vòng quanh những con phố nhỏ trong lúc nghe những câu chuyện thú vị từ bác xích lô.
Xe điện: Một hình thức thú vị để tham qua phố cổ khác là xe điện. Vé xe được bán tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm với giá 15.000 VND/ chuyến 15 phút.

4. Địa điểm du lịch ở Hà Nội

Các địa điểm gần trung tâm thành phố

Tập trung tại khu vực trung tâm là những địa điểm không thể bỏ lỡ khi du lịch Hà Nội, nhờ thế mà bạn chẳng cần đi xa là đã “chinh phục” được kha khá đất thủ đô rồi đó!

Hồ Hoàn Kiếm

Nằm ngay trung tâm thủ đô chính là hồ Hoàn Kiếm – hồ nước gắn liền với câu chuyện lịch sử quan trọng của thủ đô. Xung quanh hồ Hoàn Kiếm còn là một quần thể kiến trúc lịch sử đa dạng, trở thành một địa điểm không thể bỏ qua cho bất kỳ ai đến du lịch Hà Nội.

Đền Ngọc Sơn nổi bật giữa hồ Hoàn Kiếm. @citypassguide.com

Những di tích trong khu vực hồ Hoàn Kiếm: Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, Tháp Hòa Phong…
Địa chỉ: Ngay giữa phố cổ, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm

Khu vực Phố Cổ

Có thể nói “36 phố phường” là điều đã làm nên danh tiếng của Hà Nội. Khởi đầu là một khu dân cư nằm bên ngoài hoàng thành, khu phố đã nhộn nhịp trong suốt vài trăm năm với các hoạt động thủ công nghiệp và buôn bán.
Đến phố cổ ngày nay, bạn vẫn còn được tận hưởng không gian cổ kính, nhuốm màu thời gian của những ngôi nhà kiểu thấp, mái ngói, tường rêu.

Phố cổ với những ngôi nhà nhỏ, xưa cũ. @mettytravelstheworld

Tham khảo thêm bí kíp khám phá phố cổ trong một ngày để không bỏ lỡ những trải nghiệm tuyệt vời nhất tại đây nhé!

Những địa điểm tham quan trong khu phố cổ: đền Bạch Mã, nhà cổ 87 Mã Mây, Ô Quan Chưởng, và tất nhiên là không thể thiếu một “kho tàng” ẩm thực tại đây.

Chợ Đồng Xuân

Sài Gòn có chợ Bến Thành thì Hà Nội có chợ Đồng Xuân. Có mặt từ những năm thế kỷ 19, chợ Đồng Xuân hiện tại vẫn là chợ đầu mối lớn nhất toàn khu vực phía Bắc. Nhưng nếu bạn là một du khách có nhu cầu mua vài món đồ kỉ niệm thì chợ cũng bán lẻ một số mặt hàng như thời trang, phụ kiện, đồ gia dụng…

Chợ Đồng Xuân còn có chợ đêm mỗi cuối tuần. @deliciou.soo

Địa chỉ: Chợ nằm ngay trong khu vực phố cổ, bạn có thể dễ dàng đi bộ từ đó để đến chợ tham quan
Giờ mở cửa: 8:00 – 18:00

Nhà hát Lớn

Nhà hát Lớn Hà Nội được người Pháp xây dựng dựa trên hình mẫu nhà hát Opera Garnier (Paris), với mong muốn biến nơi đây trở thành một trung tâm văn hóa – nghệ thuật tầm cỡ thời bấy giờ.

Nhà hát lớn Hà Nội mang nét kiến trúc của nhà hát Opera ở Paris. @marjanpatrick

Nhà hát lớn hiện nay là địa điểm chính cho các sự kiện, hoạt động quan trọng của thủ đô. Bên cạnh đó thì nhà hát còn có mở các tour tham quan kết hợp với thưởng thức show diễn Hồn Việt đặc sắc nhằm phục vụ khách du lịch Hà Nội.

Địa chỉ: 01 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm
Thời gian tour tham quan: 10:30 – 12:00 thứ hai và thứ sáu. Giá vé 400.000 VND/ người

Nhà thờ Lớn

Bạn sẽ không khó để tìm được nhà thờ lớn trong khu vực phố cổ sầm uất. Mang kiểu kiến trúc Gothic đặc trưng, cùng mảng tường vôi đã ngả màu do thời gian, nhà thờ lớn mang đến không khí cổ xưa cho khu vực xung quanh.

Nhà thờ lớn là điểm checkin quen thuộc của du khách. @angelposic

Địa chỉ: 40 Nhà Chung, Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm
Giờ mở cửa: 8:00 – 21:00

Quảng trường Ba Đình – Lăng Bác

Là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất của thủ đô, quảng trường Ba Đình là nơi Bác Hồ từng đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, và nay đã là nơi đặt lăng Bác để ghi nhớ công ơn của Người.

Không khí trang nghiêm ở Lăng Bác. @devon.hipp

Khuôn viên phía sau lăng là Khu di tích Phủ Chủ Tịch – nơi Bác từng sống và làm việc những năm 1960. Tại đây có nhà sàn, ao cá, vườn tược dân dã, cho du khách hiểu thêm về cuộc sống giản dị của Bác lúc sinh thời.
Thời gian viếng Lăng Bác:

Mở cửa các ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm, thứ bảy, chủ nhật
Mùa nóng (ngày 01/04 – 31/10): 7:30 – 10:30 (cuối tuần mở cửa đến 11:00)
Mùa lạnh (ngày 01/11 – 31/03): 8:00 – 11:00

Chùa Một Cột

Là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam, Hà Nội không hiếm những ngôi chùa cổ, nhưng nổi tiếng nhất chắc chắn vẫn là chùa Một Cột. Chùa thuộc khuôn viên của Diên Hựu Tự, có kiến trúc một gian thờ nhỏ, được dựng trên cột đá giữa hồ sen, thờ Phật Quan Thế Âm.

Chùa Một Cột – Biểu tượng của thủ đô. @moonjung._.y

Địa chỉ: Phường Đội Cấn, Quận Ba Đình (gần khu vực Lăng Bác)
Giờ mở cửa: 6:00 – 18:00 hằng ngày

Hoàng thành Thăng Long

Hà Nội là kinh đô của hầu hết các triều đại phong kiến, và minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là hoàng thành Thăng Long. Đây là một quần thể di tích đồ sộ rộng đến hơn 140 ha, được xây dựng qua nhiều triều đại.

Kiến trúc đặc biệt của Hoàng thành Thăng Long. @duyanh2610

Trải qua thời gian và chiến tranh, nhiều di tích vẫn còn lưu lại và đang tiếp tục được phục dựng, nhằm duy trì không gian đặc trưng của cung đình phong kiến xưa và lưu giữ các di tích quan trọng của lịch sử nước nhà.

Địa chỉ: 18 Hoàng Diệu, Quận Ba Đình
Giờ mở cửa: 8:00 – 11:30, 13:30 – 17:00 từ thứ ba đến chủ nhật
Công trình tiêu biểu: Cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc

Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Được xây dựng từ những năm thế kỷ thứ 11, Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm hai công trình chính. Một là Văn Miếu, nơi thờ các bậc hiền triết, thánh nhân của đạo Nho. Hai là Quốc Tử Giám, được xem như trường đại học đầu tiên của nước ta, ban đầu dành cho con của vua chúa và các bậc quý tộc, sau mở rộng cho cả thường dân với tài trí hơn người.

Những khung cửa đỏ trang nghiêm của Quốc Tử Giám. @hanoicapital

Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi các sĩ tử đến cầu may mắn trong việc học hành, công việc, đặc biệt là trước các kì thi, cầu mong được đỗ đạt cao.

Địa chỉ: 58 phố Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa
Giờ mở cửa: 7:30 – 18:00 (thứ hai đến thứ sáu), 8:00 – 21:00 (thứ bảy, chủ nhật)

Hồ Tây

Đã có hồ Gươm thì chắc chắn không thể thiếu hồ Tây. Nếu bạn đang tìm kiếm một kinh nghiệm du lịch Hà Nội với những điểm khám phá văn hóa đặc trưng nhất của đất thủ đô thì đừng bỏ qua hồ Tây.

Chùa Trấn Quốc soi bóng xuống hồ Tây. @thanhnagi

Xung quanh khu vực hồ Tây là các làng cổ và những làng nghề truyền thống như trồng hoa, làm giấy dó… Và khi dạo chơi đã mệt, hãy dành thời gian cho một buổi chèo thuyền trên hồ, ngắm cảnh hoàng hôn lộng lẫy mà bình yên.
Những địa điểm quanh Hồ Tây:

Làng cổ Nghi Tàm, làng Nhật Tân với nghề trồng hoa, cây cảnh
Làng Kẻ Bưởi với nghề làm giấy dó
Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh Công Chúa (một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam)
Chùa Trấn Quốc: Nằm ở phía đông hồ Tây, chùa được xây dựng từ thời Lý, đến nay vẫn còn những pho tượng hàng trăm năm tuổi.

Các địa điểm xa trung tâm Hà Nội

Làng cổ Đường Lâm

Tìm kiếm không gian xưa giữa lòng Hà Nội? Hãy đến Đường Lâm. Đây là một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi vẫn còn nguyên vẹn nét kiến trúc lẫn nếp sinh hoạt của người xưa.

Dãy tường gạch cổ ở làng Đường Lâm. @quan.lh

Dừng chân tại Đường Lâm, hãy tìm về kí ức xưa với cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình; lần tay theo những bức tường đá ong thô nhám, ăn một bữa cơm quê, hoặc đạp xe dạo quanh, hít thở bầu không khí trong lành, hoài cổ.

Cách đến: Bạn có thể đi xe bus (tuyến 70, 71, 77), taxi, hoặc xe máy để đến thị xã Sơn Tây, hỏi đường vào Đường Lâm là được.
0963.789.463
0963.789.463